Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012


Buổi trưa, một “cơn mưa vàng” từ trời cao ào xuống hào phóng khiến những hộ nông dân trồng cà phê ở xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) không giấu được niềm vui.
Anh Nguyễn Văn Duyên (thôn 6, xã Tân Lâm) có hơn 2 ha cà phê tại thôn 8 xã Đinh Trang Thượng vui ra mặt: “Trận mưa mang lại nguồn lợi cho gia đình tôi khoảng 15 triệu đồng đấy, anh ạ! Nếu tính cả xã này thì cái lợi mà cơn mưa mang đến là lớn lắm!”.

Chiều hôm trước, tôi ghé lại nhà anh K’Sét (người dân tộc thiểu số) ở thôn 2, xã Đinh Trang Thượng. Con trai đầu của K’Sét là K’Suê lôi từ trong tủ ra đống ảnh khổ lớn “đố” tôi: “Chú nhìn mấy bức ảnh bố cháu chụp ở Hà Nội này xem bố cháu đứng ở đâu?”. Bên ngoài, K’Sét (50 tuổi) râu ria rậm rạp trông cứ như là người ngoại quốc. Trong ảnh, không thấy người nào có râu nên tôi chịu thua K’Suê. K’Sét cười hiền và bảo: “Hồi đó đi Hà Nội, mình chưa để râu. Giờ, càng nhiều tuổi, râu càng nhiều. Mình hai lần được đại diện nông dân người bà con mình đi dự hội nghị điển hình ở Hà Nội, vui lắm!”.

Weasel coffee và weaselcoffees.com

Vườn cà phê tiền tỷ

- “Nghe bảo K’Sét đang “dẫn đầu” về mô hình cà phê xen canh ở huyện, ít nhất là trong đồng bào người dân tộc thiểu số Đinh Trang Thượng. Vậy, cho mình xem tận mắt được không?”. K’Sét bảo: “Mình có 5 ha ở gần đây. 5 ha này “ngon lành” từ nhiều năm nay rồi. Giờ muốn “xem” thì vô trong Liêng Trang để thấy cái mô hình cà phê trồng xen của mình đang gầy dựng 9 ha trong đó”.
Đúng hẹn, sáng hôm sau, tôi vào tận thôn 8 giáp với thôn 9, gần thủy điện Đồng Nai 3 (thuộc vùng đất Liêng Trang xưa). Từ thị trấn Di Linh vào đến vườn “mẫu” của K’Sét khoảng 35 km. Như vậy, K’Sét đã vượt quãng đường hơn 20 km từ nhà (thôn 2, xã Đinh Trang Thượng) vào Liêng Trang để làm cà phê “mẫu”. K’Sét bảo: “Hơn hai năm trước, mình được xã cho đi tham quan học tập mô hình cà phê điểm ở mấy tỉnh Tây Nguyên rồi mới về làm như thế này đây!”. Tôi đã có một buổi sáng dạo đến nhừ chân để tận mắt nhìn thấy mô hình “cà phê xen” của K’Sét. Trên diện tích 9 ha thênh thang này, cà phê là cây trồng không thể thiếu là điều dĩ nhiên rồi, K’Sét còn trồng xen xoài cao cấp, mắc ca và đặc biệt là trồng xen cây pôlôvia. Đó là chưa kể mấy cái hồ vừa chứa nước tưới vừa nuôi cá và các loại cây trồng “chơi” khác như chuối, hoa màu… Riêng cây pôlôvia, K’Sét bảo rằng khi tham quan ở Tây Nguyên, anh đã “chết mê” cái mô hình này nên đã ký hợp đồng với một đơn vị chức năng ở TP. HCM để cung cấp cây giống và kỹ thuật để trồng. “Cứ 8 mét trồng một cây. Tổng cộng gần 3.000 cây pôlôvia đã được trồng. Có cây được ba năm tuổi, cây thì hai, cây thì mới trồng vài tháng”. Pôlôvia hiện đang được xem là “cây đôla” của Tây Nguyên. Tính trung bình cứ 7 năm thì pôlôvia sẽ cho thu hoạch; bình quân mỗi cây cho thu nhập trên dưới 15 triệu đồng. Như vậy, chỉ vài năm nữa, gần 3.000 cây pôlôvia của K’Sét sẽ mang lại một khoản tiền khổng lồ. Thêm nữa, vài chục tấn xoài cao cấp mỗi năm cũng sẽ là một khoản tiền không hề nhỏ. Và, cùng với cà phê, tính ra, mỗi vụ, vườn “cà phê xen” của K’Sét cho thu nhập không dưới 1 tỷ đồng.
Buổi sáng đi thăm vườn, thấy cây cà phê héo lá, tôi ái ngại: “Trời cứ chang chang như thế này, cây bị ảnh hưởng lắm!”. K’Sét nói: “Mình hai đợt tưới cho cây rồi đấy. Mỗi đợt tưới phải mất vài chục triệu đồng. Nếu không mưa, chắc nay mai phải tưới tiếp đợt ba. “Cà” đang bước sang năm thứ năm, vừa ra bông đợt ba, không thể thiếu nước được”. Buổi trưa, bất ngờ một cơn mưa hào phóng tuôn hơn một tiếng đồng hồ. K’Sét vui ra mặt. Tôi nhận ra ly rượu đế cũng ngọt lịm cùng với đĩa thịt heo tộc được người nhà của anh thịt để đãi khách trong buổi trưa này ngay tại vườn cà phê tiền tỷ của K’Sét.

Nỗi lo còn đó

Bữa tiệc nhỏ trong cơn mưa hào phóng ngay tại căn nhà gỗ đơn sơ giữa vườn cà phê có chút cay nên khiến K’Sét hào hứng: “Vụ “cà” vừa rồi tuy giá cả không cao nhưng mình cũng có được vài tỷ, dành phần lớn để đầu tư vào đây. Vụ tới, riêng “cà”, mình tính chắc cũng được hơn hai chục tấn. Có vậy mới đầu tư vào các thứ khác chớ!”.
Ngày trước, khi nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp các buôn làng, tôi không mấy khi được bà con tính đến con số tiền tỷ. Nay thì khác rồi. Với những người làm cà phê vài ba hecta trở lên, chuyện tiền tỷ không còn xa lạ. Tuy nhiên, đầu tư trồng “cà phê no ấm” kiểu như K’Sét thì không phải bà con nào cũng làm được. Đến lúc này, cà phê xen pôlôvia của K’Sét là mô hình đầu tiên trong vùng dân tộc thiểu số của huyện Di Linh (cả huyện chỉ mới có thêm vài ba người Kinh thực hiện mô hình này). Đang nâng ly rượu, bỗng K’Sét trầm giọng: “Bà con mình thiếu vốn là một nỗi lo. Còn cái lo khác là nạn phân giả, phân kém chất lượng mấy năm qua phổ biến ở huyện Di Linh khiến cho nhiều người điêu đứng. Cà phê đang tươi tốt, bỗng “gặp” phải phân kém chất lượng thì coi như mất đứt cả một năm trời! Tiền tỷ coi như trôi xuống sông!”.


Lâm Đồng có đến 135.000 ha cà phê. Một số liệu khác của Sở Công thương Lâm Đồng từng công bố: Có năm, Lâm Đồng phát hiện đến những 250 mẫu phân bón (trong hơn 3.000 mẫu lưu hành) kém chất lượng của 54 đơn vị sản xuất phân bón trong cả nước. 30% phân kém chất lượng trong tổng số 600.000 tấn phân nhu cầu mỗi năm đó đã làm cho vài chục ngàn hecta cà phê của Lâm Đồng bị ảnh hưởng xấu. K’Sét nói với tôi: “Nghe bảo, theo quy định, đơn vị nào mỗi năm có 3 lần bị phát hiện sản xuất phân bón giả mới “bị” công bố danh tánh. Còn nhà vườn chúng tôi, chỉ cần một đợt “dính” phân kém chất lượng thôi là coi như tiền tỷ cả năm trôi vèo xuống suối!”. Nghe K’Sét (một trong những điển hình làm “cà phê no ấm” của người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đinh Trang Thượng) nói, tôi lại nghĩ đến chuyện thương hiệu cà phê Di Linh: Đây là thương hiệu đã được công nhận. Ở Di Linh, cà phê chiếm đến 70% diện tích đất nông nghiệp của huyện. Vậy, chuyện phân bón kém chất lượng đang lộng hành trong vùng cà phê trọng điểm ắt không là chuyện “xử theo lý” khi sự việc đã xảy ra mà ngay từ đầu, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cho nó đừng xảy ra mới là điều quan trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét